Page 54 - Bìa kỷ yếu
P. 54
ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó xây dựng hệ thống chính quyền số
để nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn, giảm tham nhũng. Kinh tế
số thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng
trưởng mới. Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu
hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng.
Ngành Giáo dục đã xác định ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là một trong
những khâu có tính đột phá, hướng đến tạo ra những thay đổi quan trọng trong giáo dục và đây
là công việc không phải một sớm một chiều có thể thực hiện được, song cần phải bắt đầu ngay
và phải được làm thường xuyên với hy vọng 5-10 năm sau công cuộc chuyển đổi số của ngành
sẽ đạt kết quả. Những tiện ích, lợi thế mà chuyển đổi số mang lại cho giáo dục được Bộ trưởng
Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh đó là, quản trị tốt hơn, người dạy thuận tiện hơn, việc học
chất lượng hơn, nếu thực hiện tốt sẽ là cú hích làm thay đổi tư duy giáo dục, quản trị giáo dục,
thay đổi nghề nghiệp của người dạy và hoạt động của người học, hướng tới giải quyết những vấn
đề mang tính bền vững, lâu dài trong ngành giáo dục [4]. Trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và
Đào tạo đã thể hiện rõ chủ trương và quan điểm, chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông
tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo thể hiện qua các đề án, chương trình, hội nghị, hội
thảo. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 03 năm
2021 về Quy chế đào tạo trình độ đại học, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 6 ngày 6 năm
2022 về Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, trong đó
các quy định luôn đề cao tính ứng dụng tối đa giải quyết các công việc trên nền tảng số như cho
phép đào tạo theo hình thức chính quy và vừa làm vừa học, tối đa 30% tổng khối lượng của
chương trình đào tạo được thực hiện bằng lớp học trực tuyến [5] hay năm 2022 tất cả 100% các
đăng ký nguyện vọng và thanh toán nguyện vọng xét tuyển của thí sinh được thực hiện thông
qua phương thức trực tuyến trên cổng tuyển sinh của Bộ GD&ĐT [6].
Truyền thống dân tộc Việt Nam luôn coi trọng việc học là hàng đầu. Theo kết quả của Tổng cục
thống kê thì năm 2020 trung bình chi giáo dục, đào tạo bình quân 1 người đi học trong 12 tháng
là hơn 7.0 triệu đồng, mức chi này chiếm tỷ trọng lớn trong chi tiêu của hộ gia đình Việt
Nam[7]. Theo số liệu tuyển sinh hệ đào tạo từ xa của Trường Đại học Mở Hà Nội từ năm
2015-2023 có 40% số người học tập có đầu vào bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông (hoặc
tương đương), 30% có bằng đầu vào Trung cấp, Cao đẳng và 30% từ Đại học trở lên qua đó có
thể thấy những người tham gia học tập hầu như đã được học tập và lĩnh hội kiến thức ở những
lĩnh vực nhất định sau đó muốn tăng cường kiến thức ở các lĩnh vực khác.
Trong bối cảnh, xu thế trên thế giới, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội và yêu cầu
chuyển đổi số ở Việt Nam, Trường Đại học Mở Hà Nội với chức năng nhiệm vụ chính trị, tầm
nhìn, sứ mạng và chiến lược trung và dài hạn chú trọng phát triển đào tạo từ xa, đào tạo trực
tuyến, công tác quản lý đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng đã đặt ra những yêu cầu cấp
thiết để chuyển đổi số một cách đồng bộ. Bởi Chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ dừng lại ở
việc dạy và học, mà phạm vi vô cùng rộng lớn, ở đó tất cả các hoạt động, quan hệ, thao tác đang
thực hiện sẽ được đặt trong nền tảng số để vận hành. Việc phát triển công nghệ trên nền tảng số,
ứng dụng công nghệ thông tin sâu và rộng sẽ làm thay đổi phương thức, tư duy quản lý đào tạo
của cán bộ Nhà trường giúp thúc đẩy công tác quản lý tốt hơn, giúp tăng cường tính công khai
minh bạch, giúp người học có thể tiếp cận và giám sát toàn bộ công tác quản lý của Nhà trường
đối với người học một cách nhanh chóng và hiệu quả.
52